Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

Cuộc sống giản dị chỉ có trên các cánh đồng quê hương

Mùa mưa cũng như mùa khô, họ đi qua những bàu nước và trảng cỏ, đi xuyên qua những cánh rừng còn sót lại... Cứ thế, những người chăn thả trâu, bò ở vùng biên giới phía Tây Nam này như những du mục cả đời lang thang, cần mẫn với công việc nuôi gia súc.

1. Trên con đường đất đỏ bụi mù một ngày đầu mùa mưa ở huyện biên giới Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), chúng tôi đã gặp những đàn trâu, bò hàng trăm con rong ruổi kiếm ăn trên những bãi cỏ, cánh rừng thưa. Đó là gia súc của người dân trong vùng nuôi lấy thịt - một nghề khá phát đạt ở vùng biên giới rộng lớn này.

Kể về "đời du mục", ông Đặng Văn Tám, 62 tuổi, ngụ ở xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh) cho biết: "Tôi làm nghề chăn thả gia súc đã gần hai chục năm. Thường, lúc nào gia đình tôi cũng phải có chừng hai ba chục con trâu lẫn bò. Ở đây nuôi trâu, bò không như dưới xuôi, không nhốt trong chuồng và mua cỏ về cho ăn mà chúng được lùa ra những nương đồi, những bãi cỏ hoang, tự chúng kiếm ăn. Nhiều đợt chúng tôi phải lùa trâu, bò đi xa lắm, sang tận bên Lộc An, Lộc Thuận, Long Bình hay xuống ven hồ thủy điện Sôk Phú Miêng. Dưới ấy nhiều cánh đồng bỏ hoang, cỏ mọc xanh tốt nên có đàn ở đó cả tháng trời.

Những lúc ấy, ngoài việc tìm chỗ neo đàn vào ban đêm thì việc dựng lều bạt ở tạm cho người chăn thả cũng rất cần thiết - Vừa nói, bác Tám vừa chỉ tay vào đống nồi niêu xoong chảo với mắm muối, dầu ăn - Lang thang, mỗi nơi tạm trú dăm bữa nên thức ăn của chúng tôi chủ yếu là cá khô, đậu phộng, cá hộp, mì gói. Mỗi lần di chuyển, lều bạt, thực phẩm lại chất lên lưng con trâu đầu đàn. Đến chỗ nào ưng ý thì dừng lại, nấu nướng ăn uống rồi khi cỏ hết, lại tìm đến trảng cỏ khác. Cứ thế mà chúng tôi gắn đời mình cùng miền biên giới này".
Dulichgo
Ngừng lại giây lát, bác Tám lại kể: "Đời du mục như tôi, đi nhiều, thấy nhiều và gặp gỡ cũng nhiều nhưng lại cô đơn. Đêm thì buộc đàn, đốt lửa xua thú, xua muỗi để ngủ. Trước, cả nhà tôi đều là "dân du mục" nhưng cách đây 6 năm, gom được ít tiền mua miếng đất, dựng nhà dưới ngã ba chợ Lộc Hiệp nên vợ và 4 đứa con của tôi ở nhà, làm vườn. Với những người chăn thả lâu năm như tôi, việc một mình quản lý cả đàn vài chục con trâu, bò là chuyện bình thường, cũng chẳng phải lo mất mát hay lạc đàn. Sợ nhất là chúng đau ốm. Khi ấy, nếu không cứu chữa kịp, mình phải gọi điện cho thương lái tới mua ngay kẻo để chúng chết thì không bán được".

Ngoài không nhiều người như bác Tám thì ở đây phần đông người chăn thả trâu, bò là dân làm thuê cho các chủ trang trại gia súc. Các ông bà chủ này sở hữu vài trăm con trâu, bò, phân đàn cho những người nông dân nhận nuôi.

Cứ nửa tháng hay một tuần, họ lại đi kiểm tra đàn gia súc của mình. Khi cảm thấy chúng đã đủ lớn và đủ béo, chủ sẽ lấy lại trâu bò để bán cho các lò mổ, cung cấp thịt gia súc cho thị trường. Người chăn thả thuê sẽ nhận được phần công dựa trên số lượng trâu bò nếu không có mất mát hay chết chóc.

Theo chị Điểu Lai, 34 tuổi, người Stiêng ở xã Lộc An (Lộc Ninh), mấy năm qua, vợ chồng chị nhận chăn bò cho một chủ trang trại ở thị xã Bình Long. Do là người địa phương nên anh chị thông thạo từng bãi cỏ, cánh rừng nơi đây, thuận tiện cho việc chăn thả gia súc.
Dulichgo
Luật bất thành văn, nếu trong thời gian chăn thả, trâu bò sinh sản thì con của con đó thuộc về người chăn. Vì vậy, nếu chỉ cần có một hai con trong đàn sinh sản là những người làm thuê như gia đình chị Lai đã có thêm cả chục triệu đồng, cùng với số tiền công.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vùng biên giới Bình Phước, Tây Ninh hiện nay nhập rất nhiều trâu bò theo đường tiểu ngạch từ Campuchia về Việt Nam. Chúng đều là những trâu, bò nhỏ, gầy gò nên phải trải qua một thời gian chăm sóc, nuôi ở vùng biên trước khi được đưa về xuôi để tiêu thụ. Nhờ vậy, hàng trăm hộ dân nghèo ở đây đã liên kết với các chủ trang trại gia súc để nhận chăn thả thuê.

2. Nhờ có điện thoại di động mà việc những người du mục bị lạc đường trên hành trình dắt trâu bò đi ăn đã không còn là nỗi ám ánh nữa. Khoảng vài năm trước, theo như bác Tám kể thì nhiều đêm đốt lửa kiểm kê trâu, bò thấy thiếu nên phải đi tìm ngay. Giữa rừng núi đêm hôm, rất khó để định vị chính xác đường đi nên chuyện lạc đường là khá thường xuyên.

Ngay như bản thân bác, từng gắn bó cả đời với mảnh đất biên ải này cũng không ít lần bị lạc. Chẳng hạn, một đêm cả nhà dựng lều bên hồ Cần Đơn ở Bù Đốp để nghỉ thì bác phát hiện thiếu một con bò mẹ và một con bò con.
Kinh nghiệm lâu năm mách bảo rằng, cứ đi về phía trời quang là sẽ gặp vì trâu, bò thường ưa sáng khi chúng lạc đàn trong đêm. Nửa đêm, sau khi đi qua nhiều cánh đồng hoang, khu rừng thưa thì bác tìm được mẹ con bò. Nhưng do quá vội nên bác và hai mẹ con con bò đã mất phương hướng để về, bởi lúc này mây kéo đến làm bầu trời đen kịt.

Bác Tám còn cho biết, với những người chăn thả du mục, chuyện dẫn đàn đi nhầm vào những đồng cỏ của nước bạn Campuchia là chuyện có thể xảy ra.
Dulichgo
Nhiều lần dẫn đàn lên đầu nguồn sông Bé ở Bù Gia Mập, đàn trâu, bò của bác Tám sang đất bạn ăn cỏ lúc nào không hay. Có khi đi sâu vào đất người ta cả mấy cây số, gặp người dân ở những ngôi làng bên đó mới biết mình nhầm đường.

Cũng may, hầu hết những người dân Campuchia sinh sống ở biên giới đều thân thiện, cởi mở và nhờ vốn liếng tiếng Khmer của bác Tám thuộc loại khá nên dễ dàng giao tiếp với cư dân nước bạn. Cũng nhờ thế mà nhiều lần bác cùng vợ sang chợ Kandal của bạn để mua trâu, bò về nuôi.

Về công việc hiện nay, bác Tám bảo nuôi bò thì dễ bán nhưng nuôi trâu lại có tiền hơn vì giá một con trâu tương đương ba con bò. Hơn nữa, trâu nhanh lớn, dễ nuôi, ít bệnh mà lại thuần tính.

Có lẽ đó chính là lý do mà suốt hơn 20 năm qua, bác Tám đã gắn bó cuộc đời mình với những con trâu, con bò. Vẫn biết đây chỉ là một nghề tạm nhưng đã nhiều năm gắn bó với chúng, có bỏ để ở nhà làm công việc khác cũng khó.

"Mấy người con tôi đều khuyên, cha già rồi, lăn lộn ngoài trời cả đêm lẫn ngày hoài là không tốt, nhỡ bệnh tật thì biết kêu ai. Ở nhà nuôi một vài con trâu quanh quẩn cho khỏe, nhưng tôi không chịu. Cái số mình, cũng như những con trâu, con bò kia vậy, không đi không được. Nghỉ ờ nhà là cái chân cuồng lên, khó chịu lắm", bác Tám tâm sự.

Nhìn bóng người nông dân già lầm lũi đi sau đàn trâu trong ánh hoàng hôn dần tắt phía sau những tán rừng biên giới, chúng tôi không khỏi nao lòng. Dường như với ông, sinh ra là để sống kiếp du mục, là để rong ruổi cùng đàn gia súc giữa vùng biên hoang hoải vậy.

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Khám phá cảnh đẹp Suối Đổ Diên Khánh

Suối Đổ cũng nằm trong tuyến dã ngoai ở Nha Trang cùng với hồ Tiên, động Tiên và suối Tiên. Suối này còn có tên là suối Nước Đổ, thuộc địa phận làng Phước Trạch gần làng Cư Thạnh, phía Tây dãy núi Hoàng Ngưu.

Suối đổ từ trên cao, gọi là hòn Chùa, chảy xuống tạo thành ba hồ nước khá rộng. Hồ thứ nhất nằm trên lưng chừng núi, dưới một thác nước đổ mạnh. Nước hồ lại chia ra làm hai nhánh, chảy quanh co xuống triền núi chừng 30 mét, lại đổ vào hai hồ khác nằm gần nhau, sau đó nhập vào thành một dòng chảy xuống núi.

< Một phần của Suối Đổ.
Cát trắng tinh ở dưới đáy hồ. Quanh hai bên bờ suối và ở cả dưới đáy có đá xanh chồng chất lên nhau. Cây cỏ xanh tươi rậm rập chen lẫn với đá.
Dulichgo
Ở hồ thứ nhất, ngoài những đống đá dựng thành tường vách còn có một tảng hoa cương to lớn, bằng phẳng như tấm ván, do gọt đẽo tỉ mĩ của thiên nhiên.

Người ta nói rằng, vào những lúc vân du bà Thiên Y A Na đã đến ngồi nghĩ chân hoặc hóng gió tại đó. Những lúc bà đến, có ba tiếng sấm nổ vang rền. Một luồng ánh sáng dài và xanh như một dãy lụa bay tới từ phía hòn núi Chúa hoặc phía hòn Bà, đáp xuống. Đó là hiện tượng di hành cùa bà.
< Đoạn suối gần chùa.

Ở sâu trong núi từ xưa có vườn cam, quít sai trái nặng oằn. Người nào bẻ ăn tại chỗ cũng được nhưng đừng khen chê, cũng không nên đem về nhà. Nếu không y theo lệ này thì sẽ mang tai hoa.

Cách hồ thứ nhất 100 mét, xưa kia có một cây kỳ nam to thân đến bốn người ôm mới giáp vòng, ngã nằm ngang qua suối dài đến 10 mét, từ đằng xa, người ta cảm nhận được một mùi hương thoang thoảng nhưng kì lạ là khi đến gần, chẳng có gì hết. Trong cây có một cặp rắn đen to lớn giữ gìn không cho ai mon men lại khuân lấy đi, theo lời truyền của dân gian.

< Đường lên hồ cao.
Dulichgo
Người ta kể lại rằng vào thời Pháp chiếm đóng, một viên chánh tổng tìm thấy cây kỳ nam này, đem lễ vật đến cúng kiến rồi dùng dây buộc vào gốc, kéo dài ra cho tận chân núi, kỳ lạ thay cây kỳ nam biến mất, mối dây cột lại nằm ở chỗ khác...
Tuy thế, ngày nay vẫn theo lời thuật của những người đốn củi, mùi hương kỳ nam vẫn còn thoang thoảng.

Ở hồ thứ hai, phía dưới, có đền thờ Bà luôn có khói hương.
< Cổng tam quan chùa.

Suối này không lớn lắm, nhưng mà đẹp, nhưng nếu đứng trên cầu Lùn - xã Suối Hiệp nhìn về hướng núi Chín Khúc sẽ thấy được con suối này, nhất là mùa mưa thì nước ở đây chảy trắng xóa và có nhiều hơi nước trông rất đẹp.


Đường đi: từ Nha Trang, đi 10km lên đến Thành rồi theo hướng nam đi đến ngã 3 Chất Đốt rồi đến Dốc Bà Tùng, rẽ ngay vào đấy, đi độ khoảng 700m, rẽ phải và theo con đường lớn đi về phía núi, đi khoảng 20 phút là sẽ tới suối.
Dulichgo
Còn có 1 con đường khác: từ Nha Trang, đi theo hướng Diên Khánh độ 9km, đến ngay quán cafe Hình Như Là sẽ thấy có con đường lớn, rẽ trái đi độ 500m, tới ngã 4 gần chùa Thiên Quang, rẽ phải, đi tiếp 500m nữa, sẽ thấy cái sân xi măng lớn của xã Diên Toàn, rẽ trái theo hướng núi là tới.
< Đường vào Suối Đổ.

Suối này không lớn lắm nhưng rất gần, trên đây còn có ngôi chùa lớn nữa (có thể tham quan cảnh chùa, xin xăm, cầu duyên), đường lên suối thì dễ đi vì người ta đã làm các bậc thang cả rồi, trên suối không gian rất thoáng, mát mẻ và yên tĩnh tha hồ cắm trại.

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Phía Bắc - băng giá phủ trắng nhiều nơi

Lần đầu tiên trong mùa đông năm nay, băng giá xuất hiện đồng thời ở Sa Pa (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang) và Phia Oắc (Cao Bằng).

Có mặt ở Sa Pa (Lào Cai) lúc 1h30 sáng 16/12, một du khách Hà Nội mô tả khu vực nhà thờ đá băng phủ trắng cành cây, ngọn cỏ, nhiệt độ khoảng 0 độ C. Đến trưa, trời hửng băng tan dần.

Ở những khu vực cao hơn, nhất là đỉnh Fansipan, nơi có độ cao hơn 3.000 m so với mực nước biển, băng đóng rất dày. Chuyên gia khí tượng lý giải, lên cao 100 m, nhiệt độ giảm trung bình 0,6 độ C.

Đỉnh núi Phia Oắc (Nguyên Bình, Cao Bằng), nơi có độ cao hơn 1.900 m so với mực nước biển, từ 13-14h chiều nay cũng phủ một màu trắng xóa. Trong rừng phòng hộ, băng bám từ ngọn cây xuống đến tận gốc
Tại Hà Giang, người dân thị trấn Phó Bảng và các xã Sủng Là, Tả Phìn, huyện Đồng Văn, trưa nay chứng kiến trận mưa đông kết kéo dài vài chục phút. Hạt mưa và hạt đá từ trên cao rơi xuống với mật độ thưa, kích thước hạt đá nhỏ.
Cán bộ đồn biên phòng đóng ở thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc) sáng nay cũng ghi nhận băng giá xuất hiện dày và hiện bắt đầu tan chậm.
Dulichgo
Theo người dân địa phương, trừ mưa đông kết ở Sủng Là, Tả Phìn, phần lớn khu vực có băng giá trời không mưa, nhiệt độ ngoài trời chỉ 0-3 độ C và càng về chiều càng rét.

Cơ quan khí tượng ghi nhận lúc 7h sáng nay rét nhất miền Bắc là Mẫu Sơn (Lạng Sơn) chỉ 3 độ C, kế đó là Sa Pa 5 độ C, Đồng Văn 5 độ C. Tuy nhiên, đây là số liệu đo trong lều khí tượng, có mái che, cách mặt đất khoảng 2 m, nhiệt độ thực tế ngoài trời thường thấp hơn. 

Không khí lạnh mạnh tràn xuống miền Bắc vào đêm 13/12, sau đó liên tục bổ sung khiến vùng đồng bằng, trung du rét đậm (trung bình ngày từ 15 độ C trở xuống), vùng núi rét hại (trung bình ngày từ 13 độ C trở xuống).

Cơ quan khí tượng dự báo, đêm nay nhiệt độ miền Bắc tiếp tục xuống thấp, khả năng băng giá, mưa đông kết xuất hiện nhiều ở miền núi. Sau đó, mỗi ngày nhiệt độ nhích lên khoảng 1-2 độ C.

Tháng 12 được xem là chính đông, nhiệt độ thường xuống thấp nhất trong năm và hay xuất hiện các hiện tượng băng giá, mưa đông kết, tuyết. Thời điểm này 2 năm trước, tại nhiều khu vực miền núi tuyết rơi dày đặc.

Năm 2015 do ảnh hưởng của El Nino, nhiệt độ miền Bắc được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm, người dân sẽ trải qua một mùa đông ấm. Rét đậm, rét hại vẫn có, nhưng không kéo dài.
Dulichgo
Thế nào là mưa đông kết?

Trong đám mây gây mưa có những hạt nước rất lạnh và hạt đá nhỏ. Khi rơi xuống, gặp nhiệt độ thấp, những hạt đá nhỏ, giọt nước rất lạnh kết lại tạo thành các mảng băng phủ trắng xóa cành cây, ngọn cỏ.

Bí ẩn núi Tà Đùn khu rừng nguyên thủy lớn nhất Tây Nguyên

Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng là một trong những khu rừng nguyên thủy lớn nhất Tây Nguyên, nơi có nhiều loài động vật, thực vật có tên trong sách đỏ sinh sống. Chúng tôi đã thực hiện một chuyến phượt rừng, khám phá cảnh quan kỳ thú của khu bảo tồn, đặt chân lên đỉnh núi Tà Đùng trên độ cao gần 2.000m.

Xuyên giữa ngàn hoa dã quỳ

Sau nhiều lần hẹn, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tà Đùng đã tổ chức cho nhóm phóng viên chúng tôi một chuyến phượt rừng. Những ngày đầu mùa khô, hoa dã quỳ nở vàng rực hai bên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Từ Buôn Ma Thuột chúng tôi chạy xe hơn 200 cây số, vượt hàng chục con đèo gấp khúc, từ sáng sớm đến cuối chiều mới đến trụ sở khu bảo tồn thiên nhiên KBTTN Tà Đùng đóng chân trên địa bàn xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông. Nhìn từ xa, đỉnh núi Tà Ðùng tĩnh lặng lấp ló trong làn mây trắng giăng ngang trời.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng được thành lập năm 2003, diện tích tự nhiên 21.307 ha bao gồm núi và hồ. Khu bảo tồn nằm giữa cao nguyên Đắk Nông và cao nguyên Di Linh của tỉnh Lâm Đồng, cũng là thượng nguồn của hệ thống sông Đồng Nai.
Dulichgo
Ông Khương Thanh Long, Phó giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng giới thiệu: Tà Đùng là ngọn núi cao nhất của tỉnh Đắk Nông với độ cao 1.982m. Từ đỉnh núi có thể nhìn bao quát cả không gian rộng lớn. Hồ Tà Đùng tự nhiên đã được mở rộng lên tới hơn 3.000 ha sau khi các công trình đắp đập thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 hoàn tất. Hiện trên mặt hồ có 47 đảo lớn nhỏ, và vài chục hộ dân làm nghề đánh bắt và nuôi cá lồng.

Chạy theo quốc lộ 28, đi qua buôn làng người Châu Mạ sống dưới chân núi Tà Đùng, đến một con suối không tên nước trong vắt, mát lạnh, nhóm thanh niên hơn chục người đang lội giữa dòng hò reo chơi té nước. Anh Trần Văn Hậu, cán bộ Trạm kiểm lâm số 1 nói: “Dòng suối này chỉ cách quốc lộ hơn một cây số, lòng suối cạn, nước trong và nhiều phiến đá bằng nên ngày nào cũng có vài nhóm thanh niên đến chơi, thậm chí chạy xe mấy chục cây số từ  Di Linh, thị xã Gia Nghĩa… đi dã ngoại đến đây”.
Dulichgo
Chúng tôi đến khu rừng tái sinh, hàng nghìn chú chim chào mào, họa mi, nhạn, trẽo… đua nhau hót mừng đón khách xa, hòa với tiếng nước đổ ào ào của thác Dinh Klinh thành bản nhạc rừng. “Các loài chim quần tụ trong sinh cảnh của rừng tái sinh nên rất phong phú chủng loại chim quý. Vì thế, Tà Đùng được xếp hạng là vùng chim đặc hữu của Việt Nam, nằm trong top 202 vùng chim quan trọng của thế giới”, ông Long khoe.

Qua thác Ding Klinh, đến khu rừng già nguyên sinh nhiều tầng, các loài cây chen nhau vươn lên tìm ánh sáng. Vài tia nắng hiếm hoi lách chiếu xuyên tán rừng. Những cây cổ thụ hàng trăm tuổi có bộ rễ nhô lên khỏi mặt đất cả gang tay. Nhiều cây hình thù kỳ dị, cây bạnh vè tỏa rộng hàng chục mét vuông. Có cây ôm quấn, “bóp cổ” một cây khác đến chết. Có cây thân vỏ giống hoa văn trên mình con trăn, trông như quái vật khổng lồ. Người dẫn đường nhắc nhở: “Từ đây lên núi là rừng già, nhiều động vật, côn trùng, dốc cao dựng đứng, hai bên vực sâu, nhiều đá, cây leo chằng chịt lối đi, anh em phải rất cẩn thận”.
Dulichgo
Cả đoàn đang bàn tán rôm rả, đột nhiên nghe tiếng rào rào di chuyển trên tán lá, tiếng động mỗi lúc càng gần hơn. Thì ra một đàn Chà Vá chân đen đang đu cành nhanh thoăn thoắt. Mọi người phấn khích vội đưa ống kính chụp, nhưng chúng đã kịp nép mình giữa những tán lá xanh. May thay một kiểm lâm đi cùng nhanh tay “chộp” được cảnh con sau cùng đang đu theo đàn. Dù hình ảnh không được sắc nét, nhưng đó cũng là khoảnh khắc thực hiếm có về loài linh trưởng trong sách đỏ này.

Quên cả mệt, cả đoàn tiếp tục bàn tán về sự đa dạng của các loài động, thực vật trong khu bảo tồn. Từ các loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như Chà Vá, Vượn, Cu li, Gấu,… đến các loài thực vật quý hiếm như Thích hoa đỏ, Bạch tùng, Đỉnh tùng, Trà hoa vàng,…

Càng vào sâu sinh cảnh tự nhiên càng hấp dẫn, song hành trình vượt rừng lại càng gian nan hơn. Dốc thẳng đứng, ai cũng phải cong gập người, tay bám víu chắc vào cây nhỏ ven lối đi nhích từng bước về phía trước. Ngồi phệt xuống đất, nhìn nhau mệt phờ. “Hành trình còn dài, để lên đến đỉnh núi chúng ta phải nghỉ năm bảy lần nên phải giữ sức và tranh thủ thời gian. Vượt hết đoạn đường dốc núi chênh vênh, đoàn dựng lán trại nghỉ qua đêm rồi ngày mai đi tiếp”, ông Long nói.

Ngày đi rừng thứ 2, đôi chân đã quen với việc leo núi, hành lý đã để lại ở lán không còn phải vác nặng, tinh thần ai nấy hứng khởi vì sắp được đứng ở điểm cao mà bao phượt thủ ước mơ chinh phục. Dù không có lối mòn, nhưng đường đi dễ hơn, chỉ có lớp thảm mục còn hằn dấu chân của những con Sơn dương, một loài động vật hiếm hoi có thể thích nghi được với thời tiết lạnh ở độ cao hàng nghìn mét. Càng lên cao, càng vắng bóng cổ thụ, chỉ còn loài ghẻ và chè thân cây phủ lớp rêu như khoác áo chống lại cái lạnh buốt xương và gió lớn.
Dulichgo
Chưa đầy 2 giờ đồng hồ sau, chúng tôi đã đặt chân lên đỉnh Tà Đùng trong niềm vui vỡ òa, cảm giác như đang ở lưng chừng trời. Nhắm mắt thưởng thức, hít hà khí trời, nhìn phía xa những mái nhà cao tầng của phố thị lấp ló trong sương mờ huyền ảo. Chẳng cần nghỉ ngơi, mọi người tranh thủ chụp hình ghi lại khoảnh khắc hiếm có này để bắt đầu xuống núi kịp kết thúc chuyến hành trình trước khi trời tối.

Leo núi đã khó, xuống núi cũng chẳng dễ dàng, trọng lực toàn thân dồn hết lên hai bàn chân, đầu gối chùng xuống mới giữ được thăng bằng. Ra khỏi rừng, đôi chân run bần bật, bắp chân đau nhức sau chặng đường dài.
Dulichgo
Điểm du lịch hấp dẫn tương lai

Kết thúc chuyến hành trình, vừa ra khỏi rừng thì mặt trời cũng từ từ xuống núi. Chúng tôi tranh thủ chạy xe máy băng qua các đồi cà phê đang độ chín, đỏ rực từ gốc đến ngọn. Trong ánh nắng vàng cuối thu của buổi chiều tà, nhìn từ trên cao, hồ Tà Đùng giống hệt một Vịnh Hạ Long thu nhỏ. Nước hồ xanh biếc nổi lên giữa núi rừng Tây Nguyên hoang vu cùng những hòn đảo lớn nhỏ nhô trên mặt nước. Vài chiếc xuồng bé xíu của dân chài như vây cá mập giữa biển từ từ rẽ nước săn mồi.

Ông Lê Quang Dần, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng cho biết: Khu bảo tồn có diện tích rộng hàng chục ngàn ha, tiếp giáp với 7 xã, 4 huyện của hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Độ che phủ rừng vùng lõi chiếm tới 85%, trong đó, rừng nguyên sinh chiếm 48%. Đây là nơi có hệ sinh thái rừng nguyên sinh hiếm hoi của vùng Cao nguyên. Bên trong rừng,  các dòng suối Đắk N’teng, Đắk Plao chảy qua tạo thành nhiều ngọn thác hấp dẫn, kỳ bí như thác Đắk Plao, thác Bảy tầng, thác Mặt trời… Đứng trên cao nhìn xuống những sườn dốc, các buôn làng người Mạ, K’ho, H’Mông,… thuộc xã Đắk P’lao, Đắk R’măng, Đắk Som còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc.
Dulichgo
Hiện nay, khu bảo tồn sở hữu hệ động thực vật đa dạng, phong phú về số lượng và chủng loại với hơn 1.000 loài, nhiều loài trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới như voi, bò tót, bò rừng, trâu rừng, nai, cà Toong, hổ, báo hoa mai, các loài linh trưởng, công, trĩ… Ban quản lý Khu bảo tồn đang tăng cường phối hợp với các nhà khoa học tiến hành khảo sát các địa điểm đa dạng sinh học và hệ sinh thái điển hình để khoanh vùng quản lý, bảo vệ.
Dulichgo
Tháng 8/2014, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng đã được tỉnh quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng, với những chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc như vui chơi giải trí hồ - đảo, vui chơi giải trí cụm thác dưới tán rừng, du lịch thể thao mạo hiểm, dã ngoại nghiên cứu hệ sinh thái rừng nguyên sinh, du lịch tín ngưỡng.

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Khám phá Vườn tuyết nhân tạo tuyệt đẹp

Khu vườn tuyết được trang trí bởi hệ thống đèn nháy nhiều màu sắc và máy phun tuyết tạo nên vẻ đẹp lung linh, huyền ảo. Khu vui chơi, giải trí vườn tuyết nhân tạo nằm phía sau Sở Y tế Hà Giang thuộc phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang là một không gian khép kín với tổng diện tích gần 1.000 m2.

< Khu vườn tuyết nhân tạo trở thành nơi hấp dẫn người dân và du khách khi đến Hà Giang.

Du khách đến đây sẽ ngỡ ngàng trước một không gian lung linh sắc màu bởi hệ thống đèn nháy màu sắc và máy phun tuyết tạo nên một không gian huyền ảo với nhiều các khu vui chơi, giải trí hấp dẫn.

< Ban tổ chức cắt băng khai trương khu vườn tuyết nhân tạo từ tối ngày 11.12.
Dulichgo
Trẻ em đến đây như lạc vào thế giới cổ tích với cổng chào theo kiểu La Mã, vùng xứ sở tuyết trắng, cây chúc phúc, cối xay gió, khu vực giao lưu tặng quà và bán hàng, khu nhà gỗ to, khu làng nhỏ, hang đá, sân khấu giao lưu, hàng chục cây thông Noel, bông tuyết và nhiều ông già Noel tặng quà cho các bé.

Đặc biệt, hệ thống đường hầm vòm ánh sáng dài 100 mét, rộng 5 mét với kỷ lục 420.000 bóng đèn led thay đổi sắc màu liên tục tạo một không gian sinh động và hấp dẫn.

Khu vườn tuyết nhân tạo này mở cửa tất cả ngày trong tuần để phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch, bắt đầu từ ngày 12/12 và sẽ kéo dài đến tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán.

Cùng lên Núi Cấm câu cá chành dục

(DVO) - Xưa nay, người ta chỉ câu cá trên sông rạch hoặc ngoài đồng ruộng chứ có ai lên núi câu bao giờ! Vậy mà lần nầy mình lại câu trên núi, thật là một chuyện lạ vô cùng lý thú.

< Cá chành dục vừa mới dính câu trên núi Cấm – An Giang.

Một lần lên núi Cấm (còn gọi là Thiên Cấm Sơn) thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang tôi có dịp theo chân một nhóm người đi câu cá núi có tên là cá “chành dục”. Xưa nay, người ta chỉ câu trên sông rạch hoặc ngoài đồng ruộng chứ có ai lên núi câu bao giờ! Vậy mà lần nầy mình lại câu trên núi, thật là một chuyện lạ vô cùng lý thú.

Sau một hồi leo rừng vượt suối tôi mới tin đây là sự thật. Quả loài cá núi chành dục nầy thích ẩn trú trong các hang đá, nơi có những dòng suối chảy qua. Suối trên núi Cấm chỉ là những dòng nước len lỏi theo các ghềnh đá, hoặc chảy qua các ngóc ngách tạo nên một âm thanh khi rì rào, khi róc rách thật êm tai.

< Con cá chành dục vừa câu được trên núi Cấm.
Dulichgo
Tôi đang mải mê ngắm nhìn những dòng nước trong vắt. Bỗng anh bạn tôi giật mạnh chiếc cần câu, đầu sợi dây dính một con cá đen ngòm. Cả bọn mừng quýnh chạy đến xem coi cá núi chành dục là cá gì? Thì ra đây là một loài cá giống như cá lóc nhưng nhỏ con hơn, con lớn nhất chỉ độ 200gr. Ngày xưa ở quê tôi có rất nhiều loài cá này và tôi cũng đã từng đi câu, nhưng nay đã dần dần biến mất nên trở thành quý hiếm. Không biết tại sao trên núi Cấm lại còn loại cá này? Nhiều người thấy lạ gọi đây là cá núi.

Cá chành dục còn có nhiều tên khác do người dân địa phương đọc trại thành “chành vụt”, “vùng vụt”. Theo nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Thủy sản, trường Đại học Cần Thơ thì tại Đồng bằng sông Cửu Long, cá chành dục “channa gachua” do kích thước nhỏ nên chưa nuôi phổ biến, chủ yếu khai thác ngoài tự nhiên. Nhóm cá này có đặc điểm chung là vây lưng, vây hậu môn và vây đuôi có viền ngoài màu hồng hoặc vàng. Cá có màu xám đen ở mặt lưng và nhạt gần xuống bụng.

< Cá chành dục nướng chấm mắm me.
Dulichgo
Ông Nguyễn Văn Y, một lão nông  trên núi Cấm, năm nay trên 100 tuổi cho biết từ lúc ông còn nhỏ là loài cá này đã có rồi nhưng thời đó không ai săn bắt. Nay nhiều người khai thác bằng cách câu và cắm câu, rộn ràng nhất là trẻ con. Cá chành dục thường sống và đi  kiếm ăn ở các hang, hốc, kẹt đá, nơi có luồng chảy. Mỗi hang gồm nhiều con. Khi đẻ, trứng nở ra cá ròng ròng được cá mẹ dẫn đi kiếm ăn từng bầy. Đây cũng là thời điểm dễ săn bắt cá bố mẹ nhất.

Cá núi chành dục thịt thơm, ngon và ngọt đậm giống như thịt cá lóc. Món ăn hấp dẫn nhất là kho tiêu và nướng trui hoặc nướng lửa than chấm mắm me. Đây là nguồn thực phẩm trời cho, giúp cho những gia đình nghèo khó trên núi có điều kiện cải thiện các bữa ăn.

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

Khám phá xứ Cạnh Đền…

(BCT) - "Từ ngày xa đất Tiền Giang, em theo anh về xứ Cạnh Đền. Muỗi kêu mà như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh. Em thương anh nên đành xa xứ, xuôi ghe chèo Miệt thứ về đây…".

Mỗi lần nghe bài "Em về Miệt thứ" là má tôi lại chảy nước mắt. Má nhớ cái thời ông bà ngoại "cù cưa" khi mà "chịu thằng rể, quý nhà sui" nhưng ngán ngẩm cái xứ xa lắc, xa lơ, buồn nẫu ruột. Rồi hơn nửa thế kỷ làm dâu Cạnh Đền, má bỗng thấy thương người và đất nơi này, như thương mấy cha con tôi vậy…

Tôi mê đọc Sơn Nam từ nhỏ. Má tôi lại có sở thích nghe tôi đọc sách khi má con nằm trên chiếc võng đươn bằng dây bình bát, mắc bên chái nhà. Mấy bữa tôi đọc cho má nghe truyện "Hai cõi U Minh", "Nhứt phá sơn lâm"… má chặc lưỡi: "Ông già viết hay quá!". Có lần tôi đọc cho má nghe truyện "Cô Út về rừng", má khóc. Má nói, má nhớ ông bà ngoại đã đi xa, nhớ cái thuở mới về làm dâu xứ Cạnh Đền này, nhớ cái thời ăn cơm phải giăng mùng vì muỗi…

Giờ đọc lại "Cô Út về rừng", tôi thấy cụ Sơn Nam viết sao đúng nỗi lòng người Cạnh Đền đến vậy. Truyện là cuộc trăn trở, suy tư của ông bà Cả Ba miệt Bình Thủy, Cần Thơ, muốn gả con gái Út cho cậu Quỳnh, người xứ Cạnh Đền. "Chịu thằng rể, quý nhà sui" nhưng bà Cả cứ lần lựa vì sợ cái xứ ấy phát run qua câu ca dao truyền tụng từ xưa:

"Xứ đâu như xứ Cạnh Đền
Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh"

Cảnh tượng ngôi nhà của cậu Quỳnh ở xứ Cạnh Đền khoảng năm 1930- 1940 được nhà văn Sơn Nam miêu tả trong truyện như vầy: "Căn nhà ngói vách ván, xung quanh có vườn tược lai rai (…). Và rừng xanh một dãy che phủ tứ phía chân trời". Bà Cả Ba lo lắng: "Ngặt cái xứ đó kỳ quái, hiểm nguy. Nội cái tên Cạnh Đền nghe cũng dị hợm".
Dulichgo
Má tôi kể, bà ngoại cũng từng lần lựa như thế nhưng rồi thương con, ngoại tiễn má tôi lên chiếc ghe bầu rước dâu trong ràn rụa nước mắt. Bây giờ, lắm lúc tôi hỏi vui má rằng, làm dâu Cạnh Đền, má có tiếc đời con gái? "Tiếc gì tiếc, cha con bây là thứ má "có dư" sao hơn nửa thế kỷ dần xoay"- má xoa đầu tôi đáp.

***

Tôi lớn lên giữa cái mênh mông, bát ngát của xứ Cạnh Đền, giờ thuộc địa giới hành chính hai xã: Vĩnh Phong (Vĩnh Thuận – Kiên Giang) và Ninh Thạnh Lợi A (Hồng Dân – Bạc Liêu). Nhà tôi nép bên con kinh nhỏ, thuộc địa phận Bạc Liêu. Đó là một mái lá nhỏ chấp chới giữa cơ man ruộng đồng hoang hóa; năn bộp, năn kim ngập ngụa trong mặt nước váng phèn vàng lự. Ngày nắng, mùi phèn hăng hắc; ngày mưa phèn xì lên mặt đất chua lè; ngày này tháng nọ trôi qua bên mùi phèn, bên tiếng vịt kêu chiều… Cũng vì vậy mà xứ tôi còn được gọi là Đồng Chó ngáp.

Từ nhỏ, tôi đã thắc mắc sao gọi là xứ Cạnh Đền và ám ảnh lời bà Cả trong truyện "Cô Út về rừng": "Nội cái tên Cạnh Đền nghe cũng dị hợm!". Cha tôi kể, xứ Cạnh Đền ai cũng biết giai thoại Nguyễn Ánh bôn tẩu ở xứ này cuối thế kỷ 18. Bấy giờ, trong nhóm người tùy tùng cùng Nguyễn Ánh có công chúa Ngọc Hạnh. Vốn thân liễu yếu đào tơ, quen trướng kín, rèm thưa, chứ không quen phong sương mưa nắng nên Ngọc Hạnh công chúa lâm bệnh, qua đời. Nguyễn Ánh vô cùng thương tiếc, chọn xứ này làm nơi gửi thân ái nữ, cho xây một ngôi đền cạnh mộ. Địa danh Cạnh Đền được lưu truyền từ đó.

Cái tên Cạnh Đền thật đẹp, ấy là "cạnh ngôi đền của Ngọc Hạnh công chúa", vậy mà bà Cả Ba lại nói "dị hợm". Cha tôi cười, cụ Sơn Nam nói có cái lý của ông. Vùng Cạnh Đền hơn nửa thế kỷ trước không thể tả nổi cảnh khó khăn, hiểm nguy, thiếu thốn. Từ xứ Cạnh Đền này, những chuyện theo "phong cách bác Ba Phi" được lan truyền. Đó là chuyện hai người đàn ông từ phương xa đến xứ này thì trời tối, đậu xuồng nán lại qua đêm. Buổi chiều, hai người luộc hột vịt ăn cơm. Vừa lột hai hột vịt định giằm nước mắm thì hai ông la oai oải: "Ngộ đời, mới bỏ hột vịt xuống, tự nhiên mất tiêu". Nhìn lại, trong tô chỉ còn… hai cục đất! Nhìn kỹ mới biết, hai hột vịt đã bị muỗi bu kín. Bởi vậy, chuyện giăng mùng để… ăn cơm, muỗi "bự bằng con gà mái" là những giai thoại một thời nói đến sự xa xăm, gian nan của Cạnh Đền.
Cha tôi kể chuyện vui, thời cha còn trẻ, thường nghe mọi người kháo nhau tiếu lâm rằng: Dân Cạnh Đền "đẻ sai" nhất nước! Bà con quê tôi lý giải rằng, Cạnh Đền xưa còn heo hút lắm, không có chỗ nơi giải trí như bây giờ. Hễ trời nhá nhem là lũ muỗi bay rợp trời, chỉ có nước "chui vô mùng cho đỡ muỗi"… Bởi vậy mà nhà văn Sơn Nam đã tả sự "đẻ sai" của cô Út trong "Cô Út lấy chồng" như vầy: "Đứa ăn thôi nôi, đứa lôi đầy tháng…". Rồi qua tâm tư của ông bà Cả Ba, nhà văn trần tình: "Ông Cả bà Cả mới hiểu thêm một sự bí mật quan trọng của tiếng "muỗi kêu như sáo thổi" ở Cạnh Đền. Nó làm hại sức khỏe con người. Nhưng nó gắn bó mối tình chồng vợ hơn ở xứ không có muỗi". Cơ hồ nghĩ lại, người ta đồn chưa hẳn đã sai, ở xứ tôi chuyện những người có tên Út Mười Một, Út Mười Bốn, thậm chí Út Hết, Út Ráng, Út Chót… mà…cũng còn em!
Dulichgo
Đỉa Cạnh Đền cũng là một trong những ám ảnh khi ai đó đến với xứ này. Tôi vẫn hay liên tưởng. Tô bánh canh mặn nấu với cá trê trắng, nước cốt dừa thật ngon. Nhưng cứ tưởng tượng "đỉa lềnh tựa bánh canh" lại thấy… ghê ghê. Má tôi kể, hồi xưa khi mới về làm dâu xứ lạ, mấy bà chị trong xóm kể với má chuyện này: Một cô dâu nọ mới về nhà chồng làm cá lóc dưới sàn lãn ở đầu bến. Rửa cá, cắt khúc tinh tươm, cô đem lên nấu canh chua. Lên bàn ăn, khứa cá đầu tiên nàng dâu gắp mời má chồng. Ai dè, có một con đỉa quắm chặt khứa cá không chịu buông. Cô dâu run lẩy bẩy trong khi mặt bà mẹ chồng tỉnh bơ: "Chuyện nhỏ xứ này mà con. Có đỉa ngọt canh!".

Ngoài Cạnh Đền, Đồng Chó Ngáp, xứ tôi còn có tên gọi khác là Xứ Độn trâu (thuật ngữ dân gian dùng chỉ những người giữ trâu mướn mùa nước nổi). Thuở nhỏ tôi vẫn thường chăn trâu, bắt cá ở Đồng Chó Ngáp. Chuyện đỉa đeo là chuyện thường với tôi nhưng cha tôi nói không có "lai nào" thời cha còn nhỏ, làm dân độn trâu. Mỗi lần xuống đìa trâu đầm để dắt trâu lên thì đỉa đeo chỉ có nước… lấy tay vuốt ống chân vì bắt không xuể. Đầm trâu là một đầm cạn xép nước. Ông bà xưa hay mắng những thằng cháu nhỏ là "quậy như trâu đầm" là vì sau thời gian cày bừa nắng nóng, trâu xuống đầm thỏa sức quậy tung. Nước sền sệt sình, hăng hắc mùi trâu ấy là nơi trú ngụ không thể lý tưởng hơn của đỉa. Đỉa Cạnh Đền trứ danh là vì vậy.

Cha tôi kể như rên xiết, những năm thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, một công đất trồng lúa ở Cạnh Đền thu hoạch chừng 2 đến 3 giạ lúa, họa hoằn lắm mới được 5 giạ nhưng chỉ toàn lúa lửng do nhiễm phèn. Nhớ cái cảnh mót từng bông lúa teo héo, sậm đen, ai từng trải qua cũng phải chạnh lòng. Dường như không loại cây kinh tế nào sống được ở đây do phèn mặn, ngoại trừ dớn, choại và bình bát.
Dulichgo
Ở xứ Cạnh Đền có ấp Nhà Lầu- "rốn" của Cạnh Đền, nay thuộc xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, cách nhà tôi non chục cây số. Cha tôi kể, trước giải phóng, vùng Nhà Lầu nghèo nẫu ruột, nhà cửa lưa thưa, mái lá xác xơ. Ai đi ngang cũng cười mỉa: "Như vầy mà Nhà Lầu gì trời!". Họ đâu biết đó là khát khao, là ước vọng của dân xứ Cạnh Đền quê tôi. Bây giờ, thì chẳng ai còn dám cười mỉa bởi Nhà Lầu giờ toàn… nhà lầu. Đồng Chó Ngáp bây giờ là bạt ngàn vuông tôm, bạt ngàn lúa chín, bát ngát hương đời, sức sống trào dâng. Về quê đợt rồi, nghe cha tôi kể đầy khoái chí mà tôi cũng sướng rơn: "Xứ Nhà Lầu bây giờ có câu lạc bộ… tỉ phú, đã không!". Những tỉ phú gia ấy là dân cố cựu xứ Cạnh Đền, họ thổn thức với mùi phèn, vị mặn của đất quê hương, họ trăn trở với cái nghèo, cái đói của xứ sở. Và họ tìm đến con tôm như cứu cánh cuộc đời. Người không bỏ đất, đất nặng tình người- thứ tình cảm cố tri, thâm sâu giữa đất và người Cạnh Đền giờ đã bén duyên trên những vụ mùa tôm đầy ắp.

Khẽ khàng gỡ tay lưới mới giăng về, cha tôi liên tưởng chuyện xứ Cạnh Đền. Hồi xưa, người ta đồn xứ mình như huyền thoại: nào đỉa bánh canh, muỗi thổi sáo; nào ma làm đất, quỷ bắt người… Bây giờ, một huyền thoại mới đang được viết lại: đó là sự trở mình, thức giấc ở xứ Cạnh Đền. Quăng mớ cá chốt vô rọng, cha ngoái lại nhìn tôi nói: "À mà đâu phải huyền thoại, đâu phải mơ. Đó là thành quả của sự cần mẫn của bà con xứ mình đó chớ!". Tôi nhìn cha. Tôi tin, huyền thoại ấy có ông lão 65 tuổi đứng cạnh tôi chung sức…

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

4 điểm du lịch mùa đông lạnh nhất nước ta

 Hãy lên đường tới Sa Pa, Mẫu Sơn để may mắn đón tuyết rơi rồi ghé qua Hà Giang, Mộc Châu, nơi sẽ ngập tràn sắc hoa đào, hoa mận khi Tết gần đến.

1. Sa Pa (Lào Cai)

Nếu tìm một nơi thật lãng mạn lại để cảm nhận được rõ rệt nhất mùa đông, thì Sa Pa là điểm đến không thể bỏ qua. Mùa đông ở đây rất lạnh, nhiệt độ thường xuyên xuống 0 độ, thậm chí là âm. Nếu thích chụp ảnh, cảnh tượng sương mù giăng khắp lối sẽ khiến bạn thích mê. Và nếu may mắn, bạn còn được chiêm ngưỡng tuyết rơi trắng xóa, tạo nên những khung cảnh đẹp tuyệt vời ở những đỉnh núi, những vạt cây hay những con đường ngoằn ngoèo.

Hiện nay, khi đã có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đi lên Sa Pa rất thuận lợi. Bạn sẽ chỉ mất khoảng 4 tiếng, thay vì 7-8 tiếng như trước đây, xuất phát từ Hà Nội. Lưu ý chuẩn bị thật kỹ trang phục để giữ ấm. Sa Pa là điểm du lịch nên có nhiều loại khách sạn từ bình dân đến cao cấp để bạn lựa chọn.

2. Mẫu Sơn (Lạng Sơn)

Mẫu Sơn là vùng núi cao chạy theo hướng Đông - Tây, nằm ở phía đông bắc tỉnh Lạng Sơn. Đây là điểm đến của hầu hết những người muốn "đi tìm mùa đông đích thực". Nếu nghe dự báo thời tiết đang sắp có gió mùa Đông Bắc, hẳn sẽ không ít người rậm rịch lên đường tới Mẫu Sơn. Cùng với Sa Pa, đây là nơi thường có tuyết đầu tiên ở Việt Nam hoặc băng giá trắng xóa. Vào mùa đông, nhiệt độ thường xuống rất thấp có khi chỉ âm 2-3 độ.
Dulichgo
Mùa đông, mọi cảnh vật ở Mẫu Sơn đều như chìm trong lớp sương mờ ảo. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng những ngôi nhà cổ mang kiến trúc kiểu Pháp, những rừng đào, rừng chè, những thửa ruộng bậc thang thấp thoáng là những sắc màu rực rỡ của những bộ quần áo của đồng bào dân tộc.

3. Hà Giang

Hà Giang là nơi được nhiều du khách và các nhiếp ảnh gia đánh giá "đẹp suốt 4 mùa". Quả thật, mỗi mùa, vùng đất nơi địa đầu tổ quốc lại có những đặc điểm riêng say đắm lòng người. Hà Giang không chỉ có ruộng bậc thang, hoa tam giác mạnh, cột cờ Lũng Cú, nơi đây còn có rất nhiều danh thắng nổi tiếng khác như núi đôi Quản Bạ, cao nguyên đá, phiên chợ vùng cao... và cuộc sống đặc biệt của những người dân tộc Tả Phèn, Mông... 

Người ta không lên Hà Giang để chụp ảnh tuyết vào mùa đông mà ở Hà Giang, mùa đông và chớm xuân, gần với Tết Nguyên đán sẽ là điểm đến của những người mê hoa đào và hoa mận.

4. Mộc Châu (Sơn La)
Dulichgo
Từ cuối thu đầu đông cho tới hết mùa xuân, Mộc Châu luôn là điểm đến hot của miền Bắc. Mộc Châu nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 180 km, đường đi khá thuận lợi. Thời tiết Mộc Châu vào mùa đông không quá lạnh như vùng miền núi cao sát biên giới phía Bắc, thường nhiệt độ chỉ xuống thấp khoảng xấp xỉ 10 độ C. Giữa tiết trời se lạnh, sương mù mờ ảo và những tia nắng ấm áp trên những đồi chè, Mộc Châu hút du khách bởi vẻ bình yên và lặng lẽ, bởi những loài hoa rực rỡ.

Từ tháng 11, hoa cải trắng, cải vàng sẽ nở khắp nơi, còn sau đó, bạn sẽ không thể cưỡng lại được những triển đồi và thung lũng rực rỡ hoa mơ, hoa mận và hoa đào.

Bài viết mới

Recent Posts

Unordered List

Text Widget

Người đóng góp cho blog

Được tạo bởi Blogger.

Followers